Mua bán pháo hoa có bị đi tù không?

Hàng năm, mỗi độ tết đến xuân về lại rầm rộ lên tình hình tội phạm mua bán, tàng trữ và vận chuyển các loại pháo nổ. Bên cạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về hành vi cấm buôn bán, tàng trữ pháo nổ thì công tác phòng chống tình hình tội phạm về các loại pháo, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ càng được đẩy mạnh. Theo thống kê, các loại pháo chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc được tuồn về Việt Nam qua các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Qua bài viết này, Kiến thức luật xin được phân tích bình luận về hành vi mua bán pháo. Giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc hành vi mua bán pháo hoa có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Mua bán pháo hoa có bị đi tù không?

Về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mua, bán pháo hoa: 

Hiện nay, pháo hoa không còn được xác định là hàng cấm, mà được xác định là loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016. Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016 thì pháo nổ được xác định là một trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, xác định là hàng cấm.

Căn cứ theo quy định tại nội dung Công văn 340/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao để xác định chính xác về việc những người tham gia giao dịch mua bán pháo hoa có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, sẽ phải dựa vào quá trình giám định của cơ quan chuyên môn về những tang vật, vật chứng thu thập được, cụ thể là ở số pháo hoa thu thập được. Trên cơ sở này có hai trường hợp có thể xảy ra.

  • Trường hợp 1: Số lượng pháo thu thập được chỉ là pháo hoa, không mang đặc tính của pháo nổ.

Trường hợp này, khi phát hiện việc mua bán pháo hoa và qua quá trình giám định của cơ quan chuyên môn, xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì trường hợp này, số pháo này sẽ không được xác định là hàng cấm, cũng không được xác định là vật liệu nổ nên những người tham gia mua bán pháo hoa sẽ không bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, hay tội mua bán trái phép vật liệu nổ.

Pháo hoa được xác định là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, do vậy người nào thực hiện việc bán, kinh doanh pháo hoa mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa theo quy định thì căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

  • Trường hợp 2: Số lượng pháo thu thập được mang đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ).

Trường hợp này, khi phát hiện việc mua bán pháo hoa và qua quá trình điều tra, giám định của cơ quan chuyên môn, xác định được số lượng pháo hoa thu được có đặc tính của pháo nổ thì trong trường hợp này, người tham gia mua bán pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Pháo được xác định là hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do vậy, trường hợp bạn không đáp ứng đủ các điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép vật liệu nổ theo quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 thì bạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp mà hành vi mua bán pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi được xác định là đồng phạm trong một vụ việc hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ hoặc tội buôn bán chất cấm.

Trên đây là những phân tích quy định của pháp luật về hành vi mua bán pháo hoa dưới góc nhìn của Bộ luật Hình sự. 

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!