Phạm tội chưa đạt trong Bộ luật Hình sự 2015

phạm tội chưa đạt trong Bộ luật Hình sự 2015

Điều 15: Phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Bình luận

Trong quá trình thực hiện tội phạm, nhiều trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi chuẩn bị và bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế nhưng họ không thực hiện được đến cùng (kết quả mà họ mong muốn) vì những nguyên nhân khách quan ngoài mong muốn. Đó là trường hợp phạm tội chưa đạt.

Điều luật này định nghĩa: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Như vậy, phạm tội chưa đạt là giai đoạn thứ hai của quá trình phạm tội thể hiện mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn giai đoạn trước đó là chuẩn bị phạm tội.

Giai đoạn phạm tội chưa đạt được tính từ bắt đầu thực hiện hành vi khách quan mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc bắt đầu thực hiện hành vi liền trước hành vi khách quan. Thời điểm chấm dứt của giai đoạn này là tội phạm chưa dừng lại trên thực tế vì những nguyên nhân khách quan.

Về mặt khách quan giai đoạn thực hiện tội có ba dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội thể hiện ở các 2 trường hợp: bắt đầu thực hiện hành vi khách quan mà hành vi ấy mô tả trong dấu hiệu hành vi của cấu thành tội phạm hoặc bắt đầu thực hiện hành vi liền trước hành vi khách quan. Khách thể của tội phạm đã bắt đầu bị xâm phạm trực tiếp. Đây là điểm phân biệt giữa phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

Thứ hai, người phạm tội không thực hiện tội phạm đến cùng. Thể hiện ở các trường hợp:

1/ Người phạm tội mới thực hiện hành vi liền trước hành vi khách quan.

2/ Người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết. Trường hợp này xảy ra đối với các tội ghép là tội mà mặt khách quan của nó mô tả hành vi trở lên và hành vi này xâm phạm đến các khách thể khác nhau.

Ví dụ: Tội hiếp dâm được mô tả hành vi hiếp dâm gồm hành vi dùng vũ lực và giao cấu. Người phạm tội mới dùng vũ lực chưa thực hiện hành vi giao cấu.

3/ Người phạm tội đã thực hiện hết hành vi khách quan được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm nhưng hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả xảy ra không phải là hậu quả mà người đó mong muốn.

Ví dụ: A dùng súng bắn B để giết B nhưng bắn không trúng hoặc bắn trúng nhưng B không chết.

Cần lưu ý, phạm tội chưa đạt xảy ra cả với trường hợp hậu quả tội phạm đã xảy ra nhưng không phải hậu quả mà người phạm tội mong muốn. Ví dụ: A định giết B nhưng chỉ mới gây ra thương tích cho B. Trường hợp này khi định tội thì A vẫn phạm tội giết người chưa đạt chứ không định tội cố ý gây thương tích đã hoàn thành. Tương tự A định trộm cắp 1 tỷ đồng nhưng mới lấy được 2 triệu đồng thì bị bắt. Trường hợp này không không định tội danh tội trộm cắp đã hoàn thành theo Khoản 1 Điều 173 mà định tội danh trộm cắp chưa đạt theo Khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, ý thức chủ quan của người phạm tội là muốn chiếm đoạt 1 tỷ đồng nếu định tội theo Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự sẽ không bao quát tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi.

Thứ ba, người phạm tội thực hiện tội phạm đến cùng vì nguyên nhân khách quan ngoài mong muốn của họ. Đây là trường hợp mà có những tình tiết khách quan cản trở việc hoàn thành tội phạm mặc dù những người phạm tội đã cố gắng hết sức. Các nguyên nhân khách quan khiến tội phạm dừng lại là có thể gặp sự chống đối mãnh liệt của nạn nhân, hoặc người khác kịp thời ngăn cản hoặc những hoàn cảnh khách quan khác như thời tiết, khí hậu…

Ví dụ: A phục ở ngoài ngõ để và nhà B giết người, cướp tài sản nhưng nhà B đông khách, A chờ mãi nên bỏ về lập tức bị phát hiện bắt giữ. Ở đây, tình tiết của nhà B đông khách và ngồi chơi khuya là tình tiết khách quan khiến A không thực hiện tội phạm đến cùng.

Về mặt chủ quan, người phạm tội trong trường hợp chưa đạt nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra nhưng chúng đã không xảy ra như người phạm tội mong muốn.

Trong lý luận và thực tiễn để phân hóa trách nhiệm hình sự người ta chia phạm tội chưa đạt thành hai loại:

  • Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành: Là trường hợp phạm tội chưa đạt trong đó vì những nguyên nhân khách quan mà người phạm tội chưa thực hiện hết hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả. Chẳng hạn: trộm cắp tài sản nhưng khi mở được cửa vào nhà chưa kịp lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt giữ.
  • Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: Là trường hợp phạm tội chưa đạt mà người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân khách quan mà hậu quả cũng không xảy ra. Ví dụ: mở được cửa vào trong nhà lấy tài sản nhưng tài sản không còn ở đó nữa.

Cũng có cách phân loại khác:

  • Phạm tội chưa đạt vô hiệu: Là trường hợp phạm tội chưa đạt mà nguyên nhân khách quan của việc chưa đạt gắn với công cụ phương tiện hoặc đối tượng tác động. Ví dụ: trộm vàng mở hộp không còn vàng ở trong hộp, cướp bằng súng nhưng súng hết đạn.

Về trách nhiệm hình sự của người phạm tội ở giai đoạn chưa đạt, điều luật này quy định: Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Như vậy, khác với chuẩn bị phạm tội, mọi trường hợp phạm tội chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ đây là giai đoạn thứ hai của quá trình phạm tội, khách thể đã bị xâm phạm và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tăng lên đáng kể.

Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 57 Bộ luật hình sự, theo đó, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt từ không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Đây là điểm sửa đổi quan trọng của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 thì người phạm tội ở giai đoạn chưa đạt có thể bị chung thân hoặc tử hình.

(Nội dung được trích dẫn tại  “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017”).

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!