Để trở thành cổ đông của Công ty Cổ phần, cá nhân, tổ chức phải sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tồn tại của doanh nghiệp, do nhu cầu đầu tư hoặc có những mẫu thuẫn nảy sinh dẫn đến Cổ đông không còn nhu cầu nắm giữ một phần hay toàn bộ số cổ phần của mình nữa. Khi đó, cổ đông có thể lựa chọn hình thức Chuyển nhượng lại cổ phần cho người khác hoặc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Về bản chất, chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều là quan hệ mua bán, làm chuyển dịch quyền sở hữu cổ phần của cổ đông sang cho một bên khác.
Tuy nhiên, giữa hai hình thức này có những đặc điểm riêng và khác biệt như sau:
1. Về chủ thể
– Chủ thể của hoạt động chuyển nhượng cổ phần bao gồm bên bán là các cổ đông và bên mua là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu góp vốn.
– Còn chủ thể của hoạt động mua lại cổ phần bao gồm bên bán là cổ đông và bên mua chính là công ty phát hành cổ phần.
2. Về điều kiện
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ hai trường hợp bị hạn chế. Một là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Hai là trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Trong khi đó, việc mua lại cổ phần chỉ được thực hiện trong trường hợp: cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ.
3. Về hậu quả pháp lí
Việc chuyển nhượng cổ phần sẽ không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Còn với trường hợp mua lại cổ phần thì vốn điều lệ của công ty cũng không giảm ngay, nhưng nếu hết đợt chào bán cổ phần, mà công ty không chào bán được số cổ phần mua lại thì công ty phải đăng kí giảm vốn điều lệ.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!