Phòng chống bạo lực gia đình cần phải làm gì?

Câu hỏi: Chào Kiến thức luật, Tôi có vấn đề muốn nhờ Kiến thức luật tư vấn giúp tôi. Tôi xin phép được giấu tên, cụ thể vấn đề của tôi như sau: Tôi cưới chồng đến nay đã được 10 năm. Lúc mới cưới, anh ấy rất yêu thương, quan tâm và chiều chuộng tôi. Nhưng mấy năm trở lại đây, việc làm ăn của chồng tôi không được thuận lợi nên anh đã tìm đến rượu chè, nhậu nhẹt. Có đêm tôi phải thức chờ chồng đến tận 3,4 giờ sáng. Mỗi khi về đến nhà, anh nhìn thấy tôi thì ra sức chửi bới, đánh đập bảo tôi là sao chổi, mang đến xui xẻo cho cả gia đình. Đến khi tỉnh rượu thì lại xin lỗi và hứa sẽ không có lần sau, nhưng anh vẫn chứng nào tật đó. Tôi đã chịu đựng suốt 2 năm nay, trên cơ thể tôi bây giờ chằng chịt những vết sẹo do anh để lại. Tôi rất khổ tâm. Nhờ chuyên viên tư vấn cho tôi phải làm gì để bảo vệ mình? phòng chống bạo lực.Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Kiến thức luật. Để giải đáp thắc mắc của bạn chúng tôi xin được tư vấn luật như sau:

1. Căn cứ pháp lý điều chỉnh phòng chống bạo lực gia đình

2. Các hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần hoặc kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bị coi là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
  • Lăng mạ hoặc cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Ngăn cản việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà với cháu, giữa cha, mẹ với con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau.
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục.
  • Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
  • Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Theo như những gì bạn trình bày, chồng bạn có hành vi đánh đập, chửi bới với tần suất thường xuyên thì đây được coi là hành vi bạo lực gia đình, do đó để phòng tránh bạo lực gia đình, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để tự bảo vệ mình.

làm gì để phòng chống bạo lực

3. Biện pháp phòng chống bạo lực gia đình

3.1 Quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình

Khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực gia đình, theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực gia đình có thể:

  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
  • Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Hành vi bạo lực đã xảy ra trong gia đình thì những thành viên gia đình vì những mối quan hệ với người thực hiện hành vi sẽ rất khó có sự can thiệp mạnh mẽ, dứt khoát cần thiết để bảo vệ nạn nhân. Do đó, nạn nhân cần sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền để bảo vệ, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  

3.2 Biện pháp ngăn chặn, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình

Để phòng chống bạo lực gia đình người phát hiện bạo lực gia đình kịp thời báo tin cho cơ quan gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra vụ việc. Cơ quan công an, ủy ban nhân dân hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về vụ việc bạo lực gia đình thì phải kịp thời xử lý hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ để kịp thời giúp bảo vệ nạn nhận bị bạo lực gia đình, chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình và giảm thiểu hậu quả do hành vi đó gây ra. Các biện pháp này bao gồm:

  • Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.
  • Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình.
  • Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
  • Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân hay còn gọi là biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp xã và quyết định của Tòa án.
  • Những người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình va cấp cứu nạn nhân.

Như vậy, khi bị bạo lực gia đình, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân phải báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân xã hoặc trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố để có thể kịp thời được can thiệp và có biện pháp xử lý.

3.3 Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi là nạn nhân của bạo lực gia đình

Trong trường hợp, hành vi bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên với mức độ ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của nạn nhân, khiến cho cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được nữa, theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân bị bạo lực gia đình có thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn.

3.4 Trách nhiệm của các thành viên trong gia đình

Để phòng chống bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình:

  • Giáo dục, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
  • Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực, chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.
  • Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của Kiến thức luật đối với vấn đề phòng chống bạo lực gia đình. Nếu có bất kì vấn đề pháp lí nào còn vướng mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn luật kịp thời bạn nhé.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!