Đánh ghen được hiểu là lời nói, hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng mình. Đã có không ít những vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra, khiến chính những người trong cuộc phải vướng vào vòng lao lý. Đã là phụ nữ hãy giữ cho mình chút tôn nghiêm, phụ nữ hiện đại chỉ đánh phấn không đánh ghen. Nếu vẫn muốn đánh ghen thì hãy trả lời câu hỏi “đánh ghen thế nào cho đúng luật?”
1. Không chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương
Danh dự, nhân phẩm của mỗi người là quyền được Hiến pháp ghi nhận. Theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng.
Nếu có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt từ cảnh cáo đến phạt cải tạo không giam giữ 03 năm, có thêm các tình tiết tăng nặng bị phạt tối đa 02 năm tù giam.
Như vậy, đánh ghen đúng luật là không được có lời nói, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của đối phương; nếu vi phạm nguyên tắc này, người đánh ghen sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định nêu trên.
2. Không đánh nhau, gây thương tích cho đối phương
Nếu đi đánh ghen hoặc thuê người khác đánh ghen mà xâm hại đến sức khỏe của đối phương thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng theo quy định điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Còn nếu hai bên đánh nhau, mức phạt sẽ là 500.000 đồng – 01 triệu đồng, cũng theo điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định nêu trên.
Nặng nề hơn, nếu cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho đối phương mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% nhưng dùng axit hoặc gây cố tật nhẹ cho đối phương hoặc đối phương đang có thai… thì sẽ bị truy cứu về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt là cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Được khởi kiện đối phương
Dù không được chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương; không được đánh nhau, gây thương tích cho đối phương nhưng vẫn có một cách đánh ghen không phạm luật là khởi kiện đối phương.
Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ sẽ bị phạt hành chính từ 1 – 3 triệu đồng.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 01 năm, theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Trên đây là một số chia sẻ về quy định pháp luật để cho dù không đánh ghen thì các chị em cũng có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Hãy luôn là những người phụ nữ hiện đại, đánh phấn không đánh ghen bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!