Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội giết người? Hãy cùng Kiến thức luật tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
Theo Điều 123 Bộ Luật hình sự, tội giết người được quy định như sau:
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”
Về cơ bản, tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 không có sửa đổi, bổ sung so với Điều 93 Bộ luật hình sự 1999, trừ khoản 3 quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và các mức hình phạt quy định trong luật đã được “số hóa”. Đây không chỉ đối với tội giết người mà đối với các tội phạm khác cũng tương tự như vậy.
Điều luật chỉ quy định giết người mà không quy định cố ý giết người, vì từ “giết” đã bao hàm cả sự cố ý. Do đó, nếu có trường hợp nào gây chết người nhưng không phải do cố ý thì không phải là giết người (Tùy từng trường hợp có thể phạm tội “Vô ý làm chết người” hoặc một tội phạm phác tương ứng). Điều luật cũng không miêu tả các dấu hiệu của tội giết người, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của tội giết người như sau:
1. Về phía người phạm tội
1.1. Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động.
Trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống v.v…
Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ: Một Y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ để người bệnh chết mặc dù người Y tá này có nghĩa vụ phải cho người bệnh uống thuốc.
1.2. Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm.
Như vậy, sẽ có trường hợp tước đoạt tính mạng người khác được pháp luật cho phép như: hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành một mệnh lệnh hợp pháp của nhà chức trách. Ví dụ: người cảnh sát thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội .
Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Vì vậy, khi xác định mối quan hệ nhân qủa giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả với những đặc điểm sau:
– Hành vi là nguyên nhân gây ra chết người phải là hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Ví dụ: sau khi bị bắn, nạn nhân chết. Tuy nhiên không phải bất cứ hành vi nào xảy ra trước hậu quả chết người đều là nguyên nhân mà chỉ những hành vi có mối quan hệ nội tại, tất yếu với hậu quả thì mới là nguyên nhân. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi cả người phạm tội ; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được. Ví dụ: một người dùng súng bắn vào đầu của người khác, tất yếu sẽ dẫn đến cái chết cho người này. Nếu một hành vi đã mang trong đó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân, nhưng hành vi đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả đó chưa xảy ra, thì người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ: A có ý định bắn vào đầu B nhằm tước đoạt tính mạng của B, nhưng đạn không trúng đầu của B mà chỉ trúng tay nên B không chết.
– Hậu quả chết người có trường hợp không phải do một nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân cùng gây ra, thì cần phải phân biệt nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân nào là thứ yếu. nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà nếu không có nó thì hậu quả không xuất hiện, nó quyết định những đặc trưng tất yếu chung của hậu quả ấy, còn nguyên nhân thứ yếu là nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời cá biệt không ổn định của hậu quả; khi nó tác dụng vào kết quả thì chỉ có tính chất hạn chế và phục tùng nguyên nhân chủ yếu. Ví dụ: có nhiều người cùng đánh một người, người bị đánh chết là do đòn tập thể, nhưng trong đó có hành vi của một người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho nạn nhân, còn hành vi của những người khác chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Dù là chủ yếu hay thứ yếu thì tất cả những người có hành vi đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng mức độ có khác nhau.
– Trong thực tế chúng ta còn thấy hậu quả chết người xảy ra có cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tự nó sinh ra kết quả, nó có tính chất quyết định rõ rệt đối với hậu quả, còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân chỉ góp phần gây ra hậu quả. Thông thường, hành vi là nguyên nhân trực tiếp mới phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả, còn đối với hành vi là nguyên nhân gián tiếp thì không phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả. Ví dụ: A cho B mượn súng để đi săn, nhưng B đã dùng súng đó để bắn chết người. Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm thì hành vi của tất cả những người đồng phạm là nguyên nhân trực tiếp.
– Khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện. Điều kiện là những hiện tượng khách quan hoặc chủ quan, nó không trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng nó đi với nguyên nhân trong không gian và thời gian, ảnh hưởng đến nguyên nhân và bảo đảm cho nguyên nhân có sự phát triển cần thiết để sinh ra hậu quả. Nếu một người có hành vi không liên quan đến việc giết người và người đó không biết hành vi của mình đã tạo điều kiện cho người khác giết người, thì không phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Ví dụ: A cho B đi nhờ xe Honda, nhưng A không biết B đi nhờ xe của mình để đuổi kịp C và giết C.
1.3. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý.
Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.
Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau:
– Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tát yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm v.v… còn gọi là cố ý có dự mưu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả phát sinh. Ví dụ: A và B cãi nhau, sẵn có dao trong tay (vì A đang thái thịt lợn) A dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu B làm B chết ngay tại chỗ. Trường hợp này gọi là cố ý đột xuất.
– Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. Ví dụ: A gài lựu đạn nhằm giết B vì A đã theo dõi hàng ngày B thường đi qua đoạn đường này, nhưng A không tin vào khả năng gây nổ của lựu đạn hoặc chưa chắc B nhất định đi qua và có đi qua chưa chắc B đã vấp phải lưu đạn do A gài.
– Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: A mắc điện trần vàocửa chuồng gà với ý thức để kẻ nào vào trộm gà sẽ bị điện giật chết, nhưng lại làm chết người nhà của A vào chuồng gà nhặt trứng gà đẻ.
Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt.
Những dấu hiệu khác như: thời gian. địa điểm, hoàn cảnh v.v… chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội.
Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Về phía nạn nhân
Người bị giết, phải là người còn sống, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người. Nếu một người đã chết, thì mọi hành vi xâm phạm đến xác chết đó không phải là hành vi giết người, nhưng giết một người sắp chết vẫn là giết người.
Giết một đứa trẻ mới ra đời cũng là giết người, nhưng phá thai, dù cái thai đó ở tháng thứ mấy cũng không gọi là giết người, vì vậy giết một phụ nữ đang có thai không phải là giết nhiều người.
Trường hợp người phạm tội tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống mà có những hành vi như bắn, đâm, chém… với ý thức giết thì vẫn phạm tội giết người. Khoa học luật hình gọi là sai lầm về đối tượng.
3. Những trường hợp phạm tội cụ thể của tội giết người
3.1. Giết 02 người trở lên (điểm a khoản 1 Điều 123)
Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội có ý định giết từ hai người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra.
Bộ luật Hình sự 1999 coi trường hợp giết 02 người trở lên là “giết nhiều người”. Tuy nhiên, do kỹ thuật lập pháp, chúng ta thấy không chỉ điểm a khoản 1 Điêu 123 Bộ luật Hình sự 2015, mà tất cả các tình tiết “nhiều” đều được thay bằng “02… trở lên”. Nếu trước đây tình tiết giết nhiều người được hiểu là từ 02 người trở lên thì nay có thể hiểu là trường hợp giết nhiều người.
Giết 02 người trở lên là trường hợp người phạm tội có ý định hoặc có ý thức bỏ mặc cho 02 người trở lên bị chết.
Về trường hợp phạm tội này hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ coi là giết 02 người trở lên nếu có từ hai người chết trở lên, nếu người phạm tội có ý định giết 02 người trở lên, nhưng chỉ có một người chết thì không coi là giết 02 người trở lên. Quan điểm này, theo chúng tôi không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vì, thực tiễn xét xử không ít trường hợp không có ai bị giết cả nhưng vẫn có người bị xét xử về tội giết người. Đó là trường hợp giết người chưa đạt. Trong trường hợp giết nhiều người cũng vậy, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không nhất thiết phải có nhiều người chết mới là giết nhiều người. Ví dụ: A có mâu thuẫn với gia đình B, nên A có ý định giết cả nhà B. Nhằm lúc gia đình B đang quây quần bên mâm cơm, A rút chốt lựu đạn ném vào chỗ cả nhà B đang ăn cơm, nhưng lựu đạn không nổ.
Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ hai người chết trở lên mới gọi là giết nhiều người.
Nếu có hai người chết, nhưng lại có một người do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết 02 người trở lên mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “Giết người” và “vô ý làm chết người”. Nếu có hai người chết, nhưng chỉ có một người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp giết 02 người trở lên mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 và một tội khác ( giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…)
3.2. Giết người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 123)
Bộ luật Hình sự 1999 quy định trường hợp phạm tội này là giết trẻ em.
Giết người dưới 16 tuổi là trường hợp người phạm tội đã cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ em. Theo Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.
Khi áp dụng tường hợp phạm tội này cần chú ý việc xác định tuổi của người bị hại là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại là trẻ em, nếu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người chưa đến 16 tuổi.
3.3. Giết phụ nữ mà biết là có thai (điểm c khoản 1 Điều 123)
Là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn.
Nếu người bị giết có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết phụ nữ mà biết là có thai.
Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị giết không có thai, nhưng người phạm tội tưởng lầm là có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội là có căn cứ, thì người phạm tội vẫn bị xét xử về tội giết người trong tường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai”.
3.4. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm d khoản 1 Điều 123)
♦ Giết người đang thi hành công vụ:
Đây là trường hợp người bị giết là người đang thi hành công vụ, Tức là người bị giết đang thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định: cán bộ chiến sĩ công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ, thầy thuốc đang điều trị tại bệnh viện; thầy giáo đang giảng bài hoặc hướng dẫn học sinh tham quan, nghỉ mát; thẩm phán đang xét xử tại phiên toà; cán bộ thuế đang thu thuế; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở nơi công cộng v.v… Cũng được coi là đang thi hành công vụ đối với nhưng người tuy không được giao nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hoà giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng v.v…
Nạn nhân bị chết phải là lúc họ đang làm nhiệm vụ, thì người phạm tội mới bị coi là phạm tội trong trường hợp “giết người đang thì hành công vụ”. Nếu nạn nhân lại bị giết vào lúc khác thì không thuộc trường hợp giết người đang thi hành công vụ, mà tuỳ từng trường hợp có thể là giết người bình thường hoặc thuộc trường hợp khác.
Nạn nhân bị giết phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu trái với pháp luật mà bị giết thì người có hành vi giết người không phải là “giết người đang thi hành công vụ”.
♦ Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân:
Khác với trường hợp giết người đang thi hành công vụ, nạn nhân bị giết trong trường hợp này không phải lúc họ đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau đó. Thông thường, nạn nhân là người đã thi hành một nhiệm vụ và vì thế đã làm cho người phạm tội thù oán nên đã giết họ.
Tuy nhiên, có một số trường hợp người bị giết chưa kịp thi hành nhiệm vụ được giao, nhưng người có hành vi giết người cho rằng nếu để người này sống, nhiệm vụ mà họ thực hiện sẽ gây ra thiệt hại cho mình, nên đã giết trước..
3.5. Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm đ khoản 1 Điều 123)
Đây là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc; giết người mà người bị giết đáng lẽ người phạm tội phải có nghĩa vụ kính trọng. Việc nhà làm luật coi trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự (tình tiết định khung tăng nặng) là xuất phát từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo.
3.6. Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 123);
♦ Giết người mà liền trước đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: A vừa sử dụng vũ khí cướp tài sản của B, đang bỏ chạy thì gặp C là người mà y đã thù ghét từ trước, sẵn có vũ khí trong tay, A gây sự và giết chết B.
Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thể nào là liền trước đó, nhưng qua thực tiễn xét xử chỉ coi là liền trước hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc cùng lắm là trong ngày, nếu tội phạm người phạm tội thực hiện trước đó có khoảng cách nhất định không còn liền với hành vi giết người thì không coi làgiết người mà liền trước đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự
♦ Giết người mà ngay sau đó phạm một tội một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng:
Trường hợp giết người này cũng tương tự như trường hợp giết người mà liền trước đó phạm một tội phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, chỉ khác nhau ở chỗ: Tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng mà người phạm tội thực hiện diễn ra ngay sau đó chứ không phải ngay trước đó.
3.7. Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác (điểm g khoản 1 Điều 123)
♦ Giết người để thực hiện tội phạm khác
Đây là trường hợp sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm khác. Tội phạm khác là tội phạm bất kỳ do Bộ luật hình sự quy định, không phân biệt đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tất nhiên tội phạm khác ở đây không phải là tội giết người.
Về thời gian, tội phạm được thực hiện sau khi giết người, có thể là liền ngay sau khi vừa giết người hoặc có thể xảy ra sau một thời gian nhất định. nhưng khác với trường hợp “giết người mà liền ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác” (điểm e khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) ở chỗ tội phạm được thực hiện sau khi giết người ở trường hợp này có liên quan mật thiết với hành vi giết người. Hành vi giết người là tiền đề, là phương tiện để thực hiện tội phạm sau, nếu không giết người thì không thực hiện được tội phạm sau. Ví dụ: Giết người để cướp của, giết người để khủng bố, giết người để trốn đi nước ngoài v.v…
♦ Giết người để che giấu tội phạm khác
Đây là trường hợp trước khi giết người, người có hành vi giết người đã thực hiện một tội phạm và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người. Thông thường sau khi phạm một tội có nguy cơ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ có giết người thì tội phạm mà y đã thực hiện mới không bị phát hiện. Người bị giết trong trường hợp này thường là người đã biết hành vi phạm tội hoặc cùng người phạm tội thực hiện tội phạm.
Giữa hành vi giết người của người phạm tội với tội phạm mà y đã thực hiện phải có mối liên hệ với nhau, nhưng mối liên hệ ở đây không phải là tiền đề hay phương tiện như trường hợp “giết người để thực hiện tội phạm khác” mà chỉ là thủ đoạn để che giấu tội phạm.
Về thời gian, tội phạm mà người có hành vi giết người muốn che giấu có thể xảy ra liền ngay trước với tội giết người, nhưng cũng có thể xảy ra trước đó một thời gian nhất định. Nếu xảy ra liền trước đó lại là tội nghiêm trọng và không có mối liên hệ với tội giết người thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà thuộc trường hợp “giết người mà liền trước đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác (điểm e khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự).
3.8. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm h khoản 1 Điều 123)
Đây là trường hợp giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thay thế hoặc để bán cho người khác dùng vào việc thay thế bộ phận đó. Nếu vì quá căm tức mà người phạm tội sau khi giết người đã lấy bộ phận cơ thể nạn nhân nhằm mục đích khác cho hả giận thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
3.9. Thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i khoản 1 Điều 123)
Tính chất man rợ của hành vi giết người thể hiện ở chỗ làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, lột da, tra tấn cho tới chết… các hành vi trên, người phạm tội thực hiện trước khi phạm tội hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân chết.
3.10. Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp (điểm k khoản 1 Điều 123)
Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người dễ dàng và cũng dễ dàng che dấu tội phạm, như: bác sĩ giết nạn nhân, nhưng lại lập bệnh án là nạn nhân chết do bệnh hiểm nghèo. Lợi dụng nghề nghiệp để giết người là phạm tội với thủ đoạn rất xảo quyệt, nên nhà làm luật không chỉ dừng lại ở quy định làm tình tiết tăng nặng theo Điều 52 Bộ luật Hình sự mà coi thủ đoạn này là tình tiết định khung hình phạt của tội giết người.
3.11. Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (điểm l khoản 1 Điều 123)
Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người, như: ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết một người mà người phạm tội mong muốn.
3.12. Thuê giết người hoặc giết người thuê (điểm m khoản 1 Điều 123)
♦ Thuê giết người
Cũng giống như những trường hợp thuê làm một việc gì đó, người phạm tội vì không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nên đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thuê người khác giết người. Người trực tiếp giết ngừoi trong trường hợp này là người giết thuê, còn người thuê giết người là chủ mưu giết người.
♦ Giết người thuê
Là trường hợp người phạm tội lấy việc giết ngừoi làm phương tiện để kiếm tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Vì muốn có tiền nên người phạm tội đã nhận lời với người thuê mình để giết một người khác. Việc chừng trị đối với trường hợp giết thuê là nhằm ngăn chặn tình trạng “đâm thuê chém mướn”. Người phạm tội phải có ý thức giết thuê thật sự mới là phạm tội giết người thuê. Nếu vì nể hoặc sợ nên người phạm tội nhận lời giết người thì không phải là “giết thuê”
Thuê giết người và giết người thuê là hai tình tiết khác nhau, độc lập với nhau. Tuy nhiên, hai tình tiết có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra.
3.12. Có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 123)
Là trường hợp khi giết người, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện.
3.13. Có tổ chức (điểm o khoản 1 Điều 123)
Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có câu kết chặt chẽ giữ những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người. Khi đã xác định giết người có tổ chức thì tất cả những người cùng tham gia vụ giết người dù ở vai trò nào (chủ mưu hay giúp sức, chỉ huy hay thực hành) đều bị coi là giết người có tổ chức. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào vai trò, vị trí của từng người tham gia vào vụ án.
3.14. Tái phạm nguy hiểm (điểm p khoản 1 Điều 123)
Là trường hợp trước khi giết người , người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích hoặc đã tái phạm và chưa được xoá án tích lại phạm tội giết người.
3.15. Vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123)
Động cơ đê hèn của người phạm tội giết người được xác định qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử nhiều năm ở nước ta. Thực tiễn xét xử đã coi những trường hợp sau đây là giết người vì động cơ đê hèn:
- Giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác
- Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân
- Giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm
- Giết chủ nợ để trốn nợ
- Giết người để cướp của
- Giết người là ân nhân của mình
Trên đây là một số bình luận khoa học về Tội giết người của tác giả Đinh Văn Quế. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội danh này, trong nhiều trường hợp hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt là có sự nhầm lẫn trong việc phân biệt giữa Tội Giết người và Tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người). Có trường hợp bị cáo chỉ phạm Tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) nhưng lại bị truy tố về Tội Giết người và ngược lại, không ít trường hợp bị cáo phạm Tội giết người nhưng lại chỉ truy tố Tội Cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người).
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!