Tại sao có quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ?

Hôn nhân cận huyết thống, giữa những người có cùng dòng máu trực hệ với nhau luôn là vấn đề xã hội phức tạp và nan giải và đang diễn ra ở nhiều vùng, nhiều dân tộc, phổ biến nhất là ở đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Chắc hẳn không ít người dân sẽ thắc mắc vì sao nói “việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ với nhau, những người có họ trong phạm vi ba đời lại là vấn đề nan giải trong xã hội? Tại sao có quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ? Hi vọng bài viết dưới đây của Kiến thức luật có thể giúp bạn đọc giải đáp được câu hỏi trên.

tại sao có quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ

1. Căn cứ

Luật Hôn nhân & Gia đình 2014.

2. Tại sao có quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ?

Theo điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc cấm Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Lý do pháp luật đưa vào quy định cấm này bởi hậu quả vô cùng nghiêm trọng của việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ cho thế hệ trẻ em sau này – những mầm non tương lai của gia đình, của đất nước. Bên cạnh đó việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ; những người có họ trong phạm vi ba đời còn làm ảnh hưởng xấu tới truyền thống văn hóa, tăng gánh nặng cho gia đình, xã hội nói chung.

Theo các kết quả nghiên cứu của y học hiện đại liên tục được đưa ra, thì kết hôn với người có máu trực hệ hay phạm vi 3 đời sẽ gây ra nhiều tác hại, con được sinh ra dễ bị mắc các chứng bệnh rất nguy hiểm, được thể hiện ở các khía cạnh sinh sản, sinh trưởng phát triển cụ thể như: Dị dạng về mặt cấu trúc cơ thể, não bộ; giảm, mất khả năng sinh sản của thế hệ sau; giảm trọng lượng sơ sinh đối với con chung; giảm tốc độ sinh trưởng; là lý do gây ra hiện tượng quái thai; giảm khả năng kháng bệnh, tư duy; giảm khả năng thích nghi với điều kiện sống.

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân nội tộc, là hôn nhân giữa các cặp vợ chồng trong cùng một họ hàng, hay nói cách khác là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ.

Những người có họ trong phạm vi 3 đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phổ biến nhất là hôn nhân giữa con cô – con cậu; con dì – con già; con chú – con bác, tức là hôn nhân giữa con của anh hoặc em trai với con của chị hoặc em gái. Hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở nhiều vùng, nhiều dân tộc. Trong đó, đáng báo động nhất là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc mà dân số không quá 1.000 người nên xuất hiện tình trạng hôn nhân cận huyết tràn lan.

Thực tế y học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ có điều kiện kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc mắc các bệnh di truyền như đao, bại não, mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh Thalas- semia (Thal).

Theo số liệu thống kê, những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền). Hai thể bệnh tan máu bẩm sinh α và β Thal Thal là bệnh tan máu bẩm sinh, do di truyền gen lặn, có đặc điểm chung là nồng độ thalassemia giảm. Trong đó sự tổng hợp globin của phân tử hemoglobin trong hồng cầu bị giảm hoặc mất hẳn, dẫn đến tổn thương hồng cầu trong máu bệnh nhân có kích thước nhỏ, tan máu nặng và sự sinh hồng cầu không hiệu quả ở tủy xương.

Nguyên nhân gây những bệnh này là do những người trong cùng dòng họ có khả năng mang gen bệnh cao hơn bình thường mà bản thân họ không biết mình mang gen bệnh nên kết hôn cận huyết thống sẽ xảy ra hiện tượng kết hợp các gen mang bệnh của bố mẹ và gây bệnh cho con. Khả năng di truyền Thalassemia là bệnh di truyền dạng lặn của nhiễm sắc thể thường, đối với những cặp vợ chồng mang gen bệnh sẽ gây bệnh cho tất cả các con ở thế hệ tiếp theo với những dấu hiệu đặc trưng như da xanh xao (do thiếu máu), mũi tẹt, khuôn mặt bị biến dạng, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm, đúng cách.

Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra rất nhiều bệnh lý khác như đao, mù màu, bạch tạng, da vảy cá… làm suy giảm chất lượng giống nòi và tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Do vậy, một trong những biện pháp làm giảm số trẻ mắc những bệnh di truyền nguy hiểm này là đưa quy định cấm vào pháp luật,bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để giúp cho người dân có những hiểu biết cần thiết về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống cũng như ngăn ngừa hủ tục này tại các dân tộc vùng cao thiểu số.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!