Trong thời gian gần đây, đã xảy ra rất nhiều vụ án giết người hàng loạt gây rúng động dư luận. Với tính chất man rợ, hành vi giết người là hành vi xâm phạm đến quyền sống của con người – một khách thể đặc biệt được Luật Hình sự bảo vệ. Đi vào lịch sử là vụ thảm sát tại Bình Phước, hung thủ là Nguyễn Hải Dương cùng với Vũ Văn Tiến đã xuống tay sát hại gia đình nhà người yêu cũ. Gần đây nhất, có thể kể đến như vụ án của nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên tại tỉnh Điện Biên. Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung đã đưa ra nhiều quy định cũng như chế tài chặt chẽ và mang tính nghiêm khắc hơn để bảo vệ quyền sống của con người. Tuy nhiên, với tính chất của đời sống xã hội phức tạp những vụ trọng án xảy ra ngày càng nhiều với nhiều tình tiết phức tạp hơn. Vậy như thế nào được coi là phạm tội có tổ chức theo quy định của pháp luật Hình sự hiện hành. Qua bài viết này đội ngũ Luật sư, chuyên viên của văn phòng Luật sư Thủ Đô xin mời bạn đọc tham khảo bài viết sau để nắm rõ hơn các quy định về hình thức phạm tội có tổ chức dưới góc nhìn của pháp luật Hình sự.
– Thứ nhất, về khái niệm hành vi phạm tội có tổ chức:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 phạm tội có tổ chức là một hình thức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bởi một nhóm người, có sự liên kết, cấu kết chặt chẽ giữa nhiều người để thực hiện trót lọt một hành vi phạm tội, mang bản chất của hình thức đồng phạm. Tuy nhiên phải phân biệt giữa phạm tội có tổ chức và đồng phạm. Bởi lẽ, phạm tội có tổ chức là hành vi đồng phạm mang tính đặc biệt hơn hình thức đồng phạm thông thường. Nếu như hình thức đồng phạm thông thường là việc một số người cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì việc thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức lại mang tính chất phức tạp hơn. Bản chất đều là cùng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên có thể nhận thấy hình thức phạm tội có tổ chức có đặc điểm nổi bật là có sự cấu kết chặt chẽ giữa những đối tượng để thực hiện hành vi phạm tội. Xét về dấu hiệu chủ quan và khách quan, hình thức phạm tội có tổ chức thể hiện sự phân hóa, phân công nhiệm vụ và vai trò cụ thể của từng người.
– Thứ hai, những yếu tố cấu thành mà pháp luật Hình sự xem xét coi đó là hình thức phạm tội có tổ chức:
+ Một là khi xem xét về mặt khách quan của tội phạm: Bản chất là một hình thức đồng phạm phức tạp, giữa các đối tượng đã có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng về vai trò trong quá trình phạm tội. Quá trình thực hiện với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thể hiện rằng kế hoạch đó đã được phân công cụ thể. Thông qua đó, xâu chuỗi lại để che đậy hành vi phạm tội mội cách hoàn hảo. Mặt khác, về dấu hiệu chủ thể tham gia có thể thấy rằng số lượng người thực hiện hành vi phạm tội có thể hình thành từ nhiều cá nhân, mỗi cá nhân sẽ đảm nhận một nhiệm vụ đã được phân công từ trước. Trong khi thực hiện hành vi, những cá nhân này sẽ hỗ trợ lẫn nhau, tương tác để tạo kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội diễn ra một cách thuận lợi. Tuy nhiên, phải kể đến vai trò của người cầm đầu. Nhiệm vụ của người này là giữ vai trò tổ chức, xúi giục, chỉ đạo thường nắm giữ quyền điều khiển những đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Trong quan hệ đồng phạm này, trách nhiệm của người này luôn cao hơn. Do đó, ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can thì người tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm nặng hơn những đối tượng khác.
+ Hai là, xem xét về mặt chủ quan của tội phạm. Là yếu tố xuất phát từ ý chí bên trong của nhóm đối tượng thực hiện hành vi, họ đã hoàn toàn thống nhất với nhau về chuỗi hành vi khi thực hiện mặc dù hoàn toàn có thể nhận thức được rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm pháp đó, là cả một sự chuẩn bị kỹ càng và công phu từ việc lên kế hoạch, ý tưởng phạm tội, công cụ gây án, thời gian và địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi hành vi phạm tội được hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, còn lên những phương án tương hỗ nhịp nhàng, là những sự phối hợp linh hoạt nếu hành vi phạm tội bị phát rác hoặc một trong những đối tượng này bị truy bắt thì phương án tẩu thoát cũng như việc lẩn tránh sự điều tra của cơ quan chức năng. Tất nhiên, các đối tượng này trước khi tham gia hành vi phạm tội đều đã nhìn thấy rõ hậu quả của hành vi, nhưng vẫn mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra theo mục đích của kế hoạch ban đầu.
Tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 52 đã quy định rõ ràng, phạm tội có tổ chức là một tình tiết tăng nặng hình sự. Chính vì sự phức tạp hơn so với hành vi phạm tội đơn lẻ của một cá nhân hay của một nhóm đối tượng đồng phạm thông thường. Đối với các tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 146, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm quy định tại Điều 147, tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định tại Điều 232, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 thì hình thức phạm tội có tổ chức là một yếu tố mang tính chất định khung hình phạt. Những người khi phạm tội này, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ áp dụng theo khung hình phạt, khi xét xử Tòa án sẽ không áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức thành một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để lượng hình đối với họ.
Trên đây là những phân tích quy định của pháp luật về khái niệm phạm tội có tổ chức theo quy định của Luật hình sự, Kiến thức luật hy vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích để hỗ trợ cho bạn đọc.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!