Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với người chưa thành niên, nhằm đảm bảo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động tố tụng, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, chặt chẽ hơn về các căn cứ, điều kiện áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay quy định này đang có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa đúng quy định của BLTTHS.
Sau hơn 10 năm thi hành các quy định của BLTTHS năm 2003 về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với người chưa thành niên (Điều 303) đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên các quy định này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có một số quy định chưa phù hợp và đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Do đó BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định này tại Điều 419 nhằm đảm bảo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động tố tụng, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, chặt chẽ hơn về các căn cứ, điều kiện áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi đang có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất, chưa đúng quy định của BLTTHS. Do đó, để hiểu rõ hơn quy định này, tôi xin trao đổi một số vấn đề cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 419 của BLTTHS quy định “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.”. Như vậy, thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi chỉ bằng “hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên”. Theo quy định tại Ðiều 413 của BLTTHS thì thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương XXVIII, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương XXVIII. Theo đó, thời hạn giải quyết vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng vẫn được áp dụng theo quy định tại Điều 277 của BLTTHS, nên việc xác định thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi căn cứ vào quy định tại các điều 277, 278 và 419 của BLTTHS để xác định như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn tạm giam tối đa là 20 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì tạm giam tối đa thêm là 10 ngày.
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam tối đa là 30 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì tạm giam tối đa thêm là 10 ngày.
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, thời hạn tạm giam tối đa là 40 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì tạm giam tối đa thêm là 20 ngày.
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam tối đa là 60 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì tạm giam tối đa thêm là 20 ngày.
+ Trường hợp sau khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Trường hợp này thời hạn tạm giam người dưới 18 tuổi giống người trên 18 tuổi được xác định cho đến ngày kết thúc phiên tòa. Vì theo quy định tại các điều 255, 258, 322 và Điều 326 của BLTTHS thì phiên tòa xác định cụ thể ngày bắt đầu, nhưng không xác định được ngày kết thúc. Đây là quy định phù hợp thực tiễn khách quan của từng vụ án cụ thể mà việc kết thúc phiên tòa diễn ra khác nhau.
Như vậy, thời hạn giải quyết vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng vẫn áp dụng theo quy định tại Điều 277 của BLTTHS, nhưng thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi chỉ bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người trên 18 tuổi, do đó để bảo đảm khi xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi đang bị tạm giam “nhanh chóng, kịp thời” quy định tại khoản 7 Điều 414 thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa cũng cần phải giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời tránh trường hợp thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi đã hết mà Tòa án chưa ra được một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 277 của BLTTHS mà họ lại được trả tự do sẽ gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Trường hợp, sau khi Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng chưa đến ngày mở phiên tòa mà thời hạn tạm giam của người dưới 18 tuổi đã hết thì Chánh án hoặc Phó Chánh án áp dụng biện pháp tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19-9-2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS.
Trường hợp, sau khi Tòa án tuyên án mà xét thấy cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị cáo là người dưới 18 tuổi để bảo đảm thi hành án thì căn cứ khoản 1 Điều 419 của BLTTHS quyết định thời hạn tạm giam là 30 ngày mà không áp dụng thời hạn tạm giam 45 ngày như quy định tại khoản 3 Điều 329 của BLTTHS. Mặc dù, quy định này chưa phù hợp với khoản 1 Điều 337 về thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21-12-2018 đã hướng dẫn về trách nhiệm phối hợp của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Chương XXVIII và các quy định khác của BLTTHS về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, trường hợp này Tòa án cần phải phối hợp với Viện kiểm sát để bảo đảm việc xem xét kháng nghị phù hợp tránh trường hợp đến ngày cuối cùng của thời hạn kháng nghị mới có kháng nghị mà thời hạn tạm giam của bị cáo đã hết sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!