Tội bức tử theo quy định Bộ luật Hình sự 2015

Bức tử được hiểu là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự sát.

Tội bức tử theo quy định Bộ luật Hình sự 2015

Tội bức tử được quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 130. Tội bức tử

1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.

1. Các yếu tố cấu thành tội bức tử

1.1. Mặt khách quan của tội bức tử

+ Người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình: như thường xuyên đánh đập, bắt nhịn ăn, giam cầm, bắt lao động nặng nhọc và không cho ăn uống… làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể chất nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại đáng kể cho sức khoẻ của nạn nhân.

+ Người phạm tội có hành vi thường xuyên ức hiếp người lệ thuộc mình: Thể hiện qua việc xử sự không công bằng, xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân… hành vi này thường kéo dài và lặp đi lặp lại.

+ Người phạm tội có hành vi ngược đãi người lệ thuộc mình: Thể hiện qua việc đối xử tồi tệ với nạn nhân về các mặt ăn, mặc, ở và các sinh hoạt hàng ngày khác:

Ví dụ: Người phạm tội cho người lệ thuộc mặc rách rưới, cho ở những nơi tăm tối, bẩn thỉu, cho ăn cơm thừa, canh cặn… một cách thường xuyên trong khi có đầy đủ các điều kiện tốt.

+ Người phạm tội có hành vi làm nhục người bị lệ thuộc tức là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân như chửi bới thậm tệ, bôi nhọ danh dự, nhạo báng, miệt thị, lột trần truồng hoặc những hành vi bỉ ổi khác.

+ Các hành vi nêu trên dẫn đến hậu quả là nạn nhân (tức người bị đối xử tàn ác, thường xuyên bị ức hiếp, bị ngược đãi hoặc bị làm nhục) tự làm chấm dứt cuộc sống của chính mình. Hành vi đó đã gây ức chế về tâm lý đối vối nạn nhân, làm cho nạn nhân bị khủng hoảng tinh thần, bị tuyệt vọng không còn niềm tin vào cuộc sống nên đã hành động kết liễu cuộc đòi sống của chính mình.

+ Nạn nhân là người bị lệ thuộc đốì với người có hành vi phạm tội về một hoặc nhiều mặt như lệ thuộc kinh tế, về công tác, lệ thuộc về tôn giáo hoặc về các mặt khác.

+ Tội phạm hoàn thành khi nạn nhân thực hiện hành vi tự sát. Việc nạn nhân chết hay được cứu sống không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa trong lượng hình. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nếu nạn nhân không bị chết thì ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ trường hợp hành vi đối xử quá tàn ác, quá ức hiếp, quá ngược đãi bị xã hội lên án) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm về một tội khác như tội hành hạ người khác; tội làm nhục người khác, tội ngược đãi hành hạ ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cháu người có công nuôi dưỡng mình.

1.2. Mặt chủ quan của tội bức tử:

Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.

1.3. Chủ thể của tội bức tử

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Luật Hình sự họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.Chủ thể của tội phạm này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật Hình sự. Người phạm tội có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Ngoài ra chủ thể này còn là người mà nạn nhân có mối quan hệ lệ thuộc nhất định (có thể coi là chủ thể đặc biệt).

1.4. Khách thể của tội bức tử

Ngoài việc xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, hành vi nêu trên còn (gián tiếp) xâm phạm đến tính mạng của người khác.

2. Về hình phạt

Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

– Một là, người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

– Hai là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!