Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi , bổ sung năm 2017).
Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
1. Khái niệm
Đây là hành vi cưỡng dâm trẻ em , được hiểu là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là người đang bị lệ thuộc vào người phạm tội hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách phải giao cấu với người phạm tội một cách miễn cưỡng . Nếu cưỡng dâm người dưới 13 tuổi thì sẽ phạm tội Hiếp dâm trẻ em Điều 142 Bộ luật hình sự .
2. Dấu hiệu pháp lý khách quan của tội phạm
* Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này gồm có các dấu hiệu sau đây
Về hành vi. Có hành vi giao cấu trẻ em là người bị lệ thuộc hoặc cần sự giúp đỡ bằng việc sử dụng thủ đoạn như dụ dỗ , mua chuộc , đe dọa ….
Dấu hiệu khác : Trẻ em bị hại phải có mối quan hệ lệ thuộc voeis người phạm tội. Được hiểu là mối quan hệ lệ thuộc về nhiều mặt như : về vật chất (được nuôi dưỡng , được trợ giúp các điều kiện sinh sống , được chăm sóc….), về xã hội (giữa giáo viên với học sinh, giữa bác sĩ với bệnh nhân ), về tín ngưỡng (giữa tín đồ với nhiều chức sắc tôn giáo); về gia đình (giữa anh chị em cùng cha khác mẹ…).
Nhìn chung các dấu hiệu của mặt khách của tội này giống với tội cưỡng dâm nhưng chỉ khác đối tượng nạn nhân là trẻ em.
+ Tội phạm hoàn thành từ lúc trẻ em giao cấu với người phạm tội.
+ Trẻ em bị hại là người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
+ Việc đe dọa không phải là đe dọa bằng vũ lực.
* Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền được tôn trọng, bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em , xâm phạm đến sức khỏe , sự phát triển bình thường của trẻ em.
* Mặt chủ quan: Người phạm tội cưỡng dâm trẻ em thực hiên tội phạm này với lỗi cố ý.
* Chủ thể: Chủ thể của tội cưỡng dâm trẻ em là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Đồng thời phải có quan hệ lệ thuộc với trẻ em hoặc có quan hệ nhất định trong việc giúp đỡ trẻ em thoát khỏi tình trạng quẫn bách.
3. Về hình phạt
Các tình tiết tăng nặng định khung của tội cưỡng dâm trẻ em giống với các tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm trẻ em. Điều 144 Bộ luật hình sự năm 2015.
– Làm rõ hành vi cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
– Thêm trương hợp bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, đó là các trường hợp:
+ Gây thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
+ Gây rối loạn tinh thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
+ Phạm tội 02 lần trở lên (chuyển khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân thành khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm).
+ Đối với 02 người trở lên (chuyển khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân thành khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm).
– Thêm trường hợp bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Gây thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi cảu nạn nhân 46% trở lên
(Nội dung được trích dẫn tại trang 173,174 cuốn Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi , bổ sung năm 2017)- TS. Trần Văn Biên , TS. Đinh Thế Hưng).
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!