Tội gây rối trật tự công cộng

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng BLHS 

Tội gây rối trật tự công cộng

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Bình luận:

1. Khái niệm

– Gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi làm rối loạn trật tự ở những nơi công cộng (như quảng trường, công viên, rạp hát) hoặc nơi đông người dưới bất kỳ hình thức nào (như tụ tập đánh nhau, phá phách tài sản…) gây xáo trộn nghiêm trọng sinh hoạt của nhiều người, tấn công những người có trách nhiệm bảo vệ tự công cộng…

– Trật tự công cộng được hiểu là những quy tắc chung (của cộng đồng hay quy định của pháp luật) bảo đảm cho các hoạt động công cộng được diễn ra bình thường không bị xáo trộn.

2. Các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi. Có hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là hành vi của những người có thái độ coi thường trật tự ở những nơi đông người như chợ, trường học, nhà thờ, công viên, nhà ga, bến xe, bến tàu, đường giao thông, khuôn viên chung cư… cụ thể như:

– Có lời nói thô tục xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng.

– Có hành vi thô bạo, xúc phạm đến những người xung quanh tại nơi công cộng (đặc biệt là phụ nữ)

– Có hành vi dùng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của Nhà nước, của công dân ở nơi công cộng (như đập phá tượng đài, làm hư các biểu tượng, tranh cổ động, xe oto…)

Lưu ý:

– Các hành vi trên thường gây rối loạn ở nơi công cộng.

– Nơi công cộng phải là nơi không thuộc sở hữu hoặc không thuộc quyền quản lý của cá nhân.

b) Dấu hiệu khác

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2.2.  Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 02 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp).

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!