Tội giao cho người không đủ điều kiện tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho người khác do không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và người giao phương tiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

tội giao cho người không đủ điều kiện tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Bình luận

1. Khái niệm

Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các điều kiện các phương tiện giao thông đường bộ là hành vi giao phương tiện giao thông đường bộ cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ.

2. Dấu hiệu pháp lý khách quan của tội phạm

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm vào các quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường bộ, những quy định nhắm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tổ chức hay công dân, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của giao thông đường bộ.

2.2. Mặt khách quan

– Hành vi được biểu hiện ở việc người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma tuý hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

– Hậu quả là cấu thành bắt buộc của tội phạm, bao gồm:

+ Làm chết người.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.Người phạm tội nhận thức được người được điều động điều khiển các phương tiện giao thông không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn nhưng vẫn điều động hoặc gaio cho họ điều khiển dẫn đến hậu quả xảy ra.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi do luật định. Ngoài ra còn đòi hỏi phải thêm dấu hiệu chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều động người điều khiển phương tiện giao thông vận tải đường bộ.

(Nội dung được trích dẫn tại Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)- TS. Trần Văn Biên, TS. Đinh Thế Hưng, Trang 424 – 425).

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!