Tội tham ô tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự

Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

tội tham ô tài sản theo quy định của bộ luật Hình sự

Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Tương ứng với Điều 278. Tội tham ô tài sản BLHS 1999.

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Bình luận tội tham ô tài sản:

1. Khái niệm tham ô tài sản là gì ?

Tham ô tài sản được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí.

2. Các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội tham ô tài sản có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi. Có hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Có nghĩa là người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vị, quyền hạn của mình như một phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Giám đốc sở chỉ đạo nhân viên chở tài sản của cơ quan về nhà mình rồi chiếm đoạt luôn).

Người phạm tội phải có hành vi làm cho chủ tài sản (tức chủ thể đang quản lí hoặc chiếm hữu hợp pháp tài sản như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước…) mất quyền quản lí hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó.Đồng thời tạo cho chính bản thân người có hành vi chiếm đoạt có các quyền năng đối với tài sản đó một cách trái pháp luật (như các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản).

– Đối tượng chiếm đoạt là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức kinh tế của Nhà nước, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước. Đồng thời tài sản đó còn nằm trong sự chiếm hữu, quản lí trực tiếp hoặc gián tiếp của chính người phạm tội.

– Tài sản bị chiếm đoạt thuộc sự quản lí của người thực hiện hành vi chiếm đoạt. Có thể là người có trách nhiệm quản lí trực tiếp (như thủ kho, thủ quỹ…), cũng có thể là người có trách nhiệm quản lí gián tiếp (như kế toán trưởng, trưởng phòng hành chính, thủ trưởng đơn vị…).

Tài sản bị chiếm đoạt do hành vi tham ô chỉ có thể là:

– Tài sản là kinh phí hoạt động, là “công sản”, là các tài sản khác được nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức ngoài nhà nước.

– Tài sản trong các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp ngoài Nhà nước như: vốn do nhà nước đầu tư tại công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; vốn Ngân sách nhà nước, vốn tự tích lũy được bổ sung vào vốn Nhà nước, tài sản cố định, tài sản lưu động, giá trị quyền sử dụng đất được tính vào vốn của công ty, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Dấu hiệu khác. Phải có một trong các dấu hiệu sau:

Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc tuy dưới 2.000.000 đồng nhưng phải thuộc một trong các trường hợp nêu dưới đây mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản:

Đã bị xử lí kỉ luật mà còn vi phạm. Được hiểu là đã bị xử lí một trong các hình thức kỉ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức (theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Bộ luật lao động) về hành vi tham ô và chưa được công nhận hết thời hạn bị thi hành kỉ luật, nay lại có hành vi tham ô  tiếp và bị phát hiện.

Lưu ý: Trong trường hợp này người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về giá trị tài sản chiếm đoạt của hành vi chưa bị xử lí.

– Đã bị kết án về một trong các tội sau: Nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, để trục lợi; giả mạo trong công tác được quy định trong Mục 1 Chương này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2.2. Khách thể

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế (trong và ngoài nhà nước) và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của các cơ quan, tổ chức nêu trên.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội tham ô tài sản với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội này có hai nhóm, cụ thể là:

a) Nhóm chủ thể thứ nhất: Chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lí đối với tài sản bị chiếm đoạt.

Chủ thể của tội tham ô chỉ là những người được quy định tại khoản 3. Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng – Đó là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên viên-kĩ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo quản lí trong doanh nghiệp của nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lí là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đó.

Đối với chủ thể là cán bộ lãnh đạo, quản lí trong doanh nghiệp của Nhà nước, Cán bộ lãnh đạo, quản lí là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp trên 50% và giữ quyền chi phối với doanh nghiệp đó, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản trong doanh nghiệp đó thì cũng bị coi là phạm tội tham ô tài sản mặc dù tài sản bị chiếm đoạt có cả phần vốn góp không phải của Nhà nước.

b) Nhóm chủ thể thứ hai: Là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đây là nhóm chủ thể mới được quy định mà trước đây Bộ luật hình sự 1999 chưa quy định.

3. Hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

c) Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

d) Khung bốn (khoản 4)

Có mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lí theo quy định tại Điều này.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 513 – 516).

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!