Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín … của người khác

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín … của người khác

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình luận

1. Khái niệm

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là hành vi tiếp tục vi phạm đến quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, mặc dù trước đó đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

2.1. Khách thể

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác xâm phạm đến quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của bất kỳ người nào đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

2.2. Mặt khách quan

Tội phạm được thực hiện thông qua một trong những hành vi sau: 1) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; 2) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; 3) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; 4) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; 5) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Người phạm tội có thể thực hiện một , một số hoặc tất cả các hành vi nói trên và đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 159 Bộ luật hình sự với điều kiện chủ thể  trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này vẫn chưa hết thời hạn để được xóa kỷ luật hoặc để được coi là chưa bị xử lý hành chính.

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội song lại là tình tiết được Tòa án cân nhắc khi quyết định hình phạt hoặc cũng có thể trở thành tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 của điều luật.

2.3. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.

2.4. Chủ thể

Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

3. Về hình phạt

Người phạm tội theo khoản 1 Điều 159 Bộ luật hình sự có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, chủ thể phạm tội còn có thể phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật hình sự.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn