Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Bộ luật hình sự 2015

Xâm phạm chỗ ở của công dân là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Bộ luật hình sự 2015

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017)

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình luận

1. Khái niệm

Xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi cản trở hoặc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách trái pháp luật.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác xâm phạm đến quyền tự do và an ninh cá nhân của con người, cụ thể là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, tội phạm cũng xâm hại đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội, đồng thời xâm hại đến sự quản lý của Nhà nước về thẩm quyền và thủ tục khám xét chỗ ở.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện thông qua một trong những hành vi sau:
+ khám xét trái pháp luật chỗ ở ủa người khác;
+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
+ Dùng thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
+ tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
Người phạm tội có thể thực hiện một, một số hoặc tất cả các hành vi nói trên và đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 158 Bộ luật hình sự.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội song lại là tình tiết được Tòa án cân nhắc khi quyết định hình phạt.

2.3. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Dấu hiệu, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 116 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

3. Về hình phạt

– Người phạm tội theo khoản 1 Điều 158 Bộ luật hình sự có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 1158 Bộ luật hình sự.
– Ngoài ra, chủ thể phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 158 Bộ luật hình sự.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!