Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết. Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại BLHS năm 1999.

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Bình luận: 

1. Khái niệm

– Xâm phạm thi thể, được hiểu là hành vi tác động lên xác người chết một cách trái phép (Ví dụ: Cắt xác người chết rồi vứt xuống sông).

– Xâm phạm mồ mả, hài cốt được hiểu là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật trong mộ, trên mộ, lấy hài cốt đem bán hoặc hành vi khác xâm phạm đến mồ mả, hài cốt.

– Đào, phá mồ mả là hành vi dùng công cụ như cuốc, xẻng, thuốc nổ làm thay đổi biến dạng, hư hỏng, hủy hoại mồ mả (nhưng không có mục đích chiếm đoạt đồ vật trong hoặc trên mồ mả).

– Chiếm đoạt đồ vật trong mộ, trên mộ (thường gắn với việc đào, phá mồ mả) là hành vi lén lút hoặc công khai lấy đồ vật trong mồ mả (như quần áo, trang sức, kim phí quý… chôn theo người chết) hoặc trên mồ mả (như bia đá, tượng, hình ảnh…)

2. Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này gồm một trong các dấu hiệu sau:

a) Có hành vi xâm phạm thi thể.

b) Có hành vi đào, phá mồ mả.

c) Có hành vi chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ.

d) Có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Được thể hiện như lấy mộ để làm nơi kinh doanh, vứt những đồ đạc có trên mộ đi nơi khác, vứt xương người chết hay xác người chết bừa bãi mà không chôn cất, giao cấu với xác chết, mua bán hài cốt…

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến tập quán, truyền thống đạo đức của cộng đồng dân cư, của dân tộc đối với việc an táng người chết.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 02 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!