Câu hỏi: Xin chào Kiến thức luật, tôi có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Luật sư tư vấn cho tôi như sau: Vợ chồng tôi cưới nhau đã được 3 năm vẫn chưa có con. Mới đây, vợ chồng tôi có đến bệnh viện khám và được bác sĩ tư vấn là nên áp dụng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm vì tỉ lệ thành công cao và chi phí rẻ hơn so với thụ tinh nhân tạo.Sau khi tham khảo thêm trên mạng và hỏi thăm một vài người bạn, vợ chồng tôi quyết định áp dụng phương pháp này nhưng lại băn khoăn, lo lắng không biết đứa bé sinh ra thì việc xác định cha, mẹ được được thực hiện như thế nào? Vậy cho tôi hỏi việc xác định cha mẹ trong trường hợp sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản được pháp luật quy định thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Kiến thức luật. Với vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý của việc xác định cha mẹ trong trường hợp sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
– Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính Phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
2. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh nhân tạo được hiểu một cách khái quát là phương pháp hỗ trợ sinh sản thông qua một số biện pháp kỹ thuật là lấy tinh trùng để pha chế, bảo quản và bơm vào tử cung của người phụ nữ.
Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn (giao tử của người phụ nữ) và tinh trùng (giao tử của nam) trong ống nghiệm để tạo thành phôi.
Tóm lại, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ với mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có những đứa con như họ mong muốn.
3. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản
Vì đây là một phương pháp sinh con đặc biệt có sự can thiệp của y học nên Luật Hôn nhân và gia đình cũng có những quy định mang tính đặc thù để điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể như sau:
3.1. Xác định cha mẹ trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Trường hợp này được áp dụng đối với những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn mong muốn có con. Theo đó, việc xác định cha mẹ được Luật quy định như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Như vậy, việc xác định cha mẹ con trong trường hợp này căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng.. Vì thế trong trường hợp con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. Để bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác là mẹ đứa trẻ trong mọi trường hợp kể cả người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác và người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay cả trường hợp người chồng không phải là người cho tinh trùng.
Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, hoặc cho phôi với đứa con được sinh ra.
3.2. Xác định cha mẹ trong trường hợp người phụ nữ sống độc sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản
Trường hợp này áp dụng đối với những người phụ nữ không xác lập quan hệ hôn nhân nhưng mong muốn có con. Theo đó, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này được Luật quy định cụ thể, đó là người phụ nữ độc thân này đương nhiên sẽ là mẹ của đứa trẻ được sinh ra.
3.3. Xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chung để thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ để người này mang thai và sinh con. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện Luật định về tính tự nguyện, về chủ thể ( cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ), các biện pháp kỹ thuật y học.
Đây cũng là một phương pháp sinh con đặc biệt, áp dụng trong trường hợp cặp vợ chồng không thể có con dù đã áp dụng các phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Theo đó việc xác định cha mẹ con trong trường hợp này được Luật quy định như sau: Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Việc xác định cha mẹ con trong trường hợp này được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đó là Cơ quan hộ tịch, trong trường hợp có tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của Kiến thức luật đối với vấn đề xác định cha mẹ trong trường hợp sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu có bất kì vấn đề pháp lí nào còn vướng mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn luật kịp thời bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!