Xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Dựa trên tiêu chí nào để đánh giá, xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chính sách pháp lý liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Kiến thức luật chia sẻ thông qua bài viết dưới đây.

xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ?

Căn cứ theo điều 6 tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP:

Điều 6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Như vậy, theo quy định mới của pháp luật thì tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự thay đổi như:

– Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc nguồn vốn không quá 3 tỷ.

– Doanh nghiệp nhỏ: có số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ

– Doanh nghiệp vừa: Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ.

1. Cách xác định lĩnh vực hoạt động của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp được xác định theo hệ thống ngành kinh tế mới nhất ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Nếu hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xác định lĩnh vực hoạt động theo lĩnh vực có doanh thu cao nhất.

Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

2. Cách xác định số lao động tham gia BHXH bình quân năm

Số lao động tham gia BHXH là toàn bộ lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng, trả lương tham gia BHXH (khoản 1 Điều 8 Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017).

Theo đó, cách tính số lao động tham gia BHXH bình quân năm:
 

Số lao động tham gia BHXH bình quân năm=Tổng số lao động tham gia BHXH của năm:12


Lưu ý: Nếu doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia BHXH bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia BHXH của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.
 

3. Cách xác định tổng doanh thu của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Xác định dựa trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu, doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn để xác định thuộc quy mô nào.
 

4. Xác định tổng nguồn vốn doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được xác định trong bảng cân đối kế toán của Báo cáo tài chính năm trước đó.

Doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn xác định dựa vào bảng cân đối kế toán cuối quý liền kề tính tới thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng hỗ trợ.

Trên đây là những tiêu chí và cách xác định quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới nhất, bạn đọc tham khảo để có thể tự mình nhận định được doanh nghiệp của mình đang ở quy mô nào hoặc có thêm hiểu biết về vấn đề này.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!