“Cắt khẩu” khi ly hôn như thế nào?

Một loạt vấn đề kéo theo trước và sau khi ly hôn, trong đó có việc phụ nữ muốn “cắt khẩu” hay “tách khẩu” khỏi nhà chồng và “nhập khẩu” lại gia đình mẹ đẻ. Việc chuyển hộ khẩu khi ly hôn có dễ dàng?

Theo ngôn ngữ pháp lý, cắt khẩu là “chuyển hộ khẩu” và nhập hộ khẩu chính là “đăng ký thường trú”. Pháp luật quy định về việc chuyển hộ khẩu và đăng ký thường trú tại các Điều 21 và Điều 28 Luật Cư trú 2006 và các hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 35/2014/TT-BCA.

1. Chuyển hộ khẩu khi ly hôn thế nào?

Trước hết, người muốn chuyển hộ khẩu đến cơ quan công an, mang theo sổ hộ khẩu nhà chồng để làm thủ tục chuyển khẩu. Hồ sơ xin cấp giấy chuyển hộ khẩu gồm: Sổ hộ khẩu nhà chồng và Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Nếu nơi chuyển đi và chuyển đến nằm trong cùng một xã, phường, thị trấn hoặc cùng một quận, huyện, thị xã thì không cần có giấy chuyển hộ khẩu.

Quy định tưởng chừng đơn giản này gây nhiều khó khăn cho người có nhu cầu chuyển hộ khẩu. Bởi lẽ người đó phải có Sổ hộ khẩu mà mình đang có tên trong đó. Hơn nữa, trong Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu HK2 tại Thông tư 36/2014/TT-BCA, ý kiến của chủ hộ là thông tin bắt buộc.

chuyển hộ khẩu khi ly hôn

2. Thủ tục nhập hộ khẩu mới ra sao?

Sau đó, ở cơ quan công an nơi chuyển đến, người muốn chuyển đến cần cung cấp các giấy tờ để nhập hộ khẩu, bao gồm:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

– Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu).

– Giấy chuyển hộ khẩu (nếu thuộc trường hợp nêu trên).

– Xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ bố mẹ – con.

Trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào Sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.

Theo khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA, người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong Sổ hộ khẩu được sử dụng Sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Nếu cố tình gây khó dễ có thể bị xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, riêng vấn đề ý kiến đồng ý của chủ hộ trên phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu lại chưa được đề cập đến. Do đó, việc cắt khẩu, chuyển khẩu sau ly hôn có thể gặp khó khăn với việc xin ý kiến đồng ý của người đứng tên chủ hộ trên Sổ hộ khẩu về việc chuyển hộ khẩu.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!